 |
Quang cảnh lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí. Ảnh: H.T
|
Điều thú vị nhất của phóng viên là được tiếp xúc và gặp gỡ với rất nhiều nhân vật. Từ một người nông dân bình thường đến lãnh đạo cấp cao, mỗi nhân vật khi trò chuyện chúng ta đều phải biết cách dùng từ, khéo léo trong giao tiếp. Nếu không hiểu tâm lý, nói sai làm phật ý nhân vật dẫn đến sự dè chừng, khó chịu thì xem như buổi tác nghiệp hôm đó bất thành. Đây cũng là một trong những bài học khó nhất mà phóng viên nào cũng phải trải qua.
Trong đợt tập huấn mới đây, ngoài những kỹ năng cần thiết, tôi và đồng nghiệp còn may mắn được nghe những câu chuyện hay, nhiều bài học thú vị về cách giao tiếp, ứng xử trong nghề. Có thể nói, lớp phóng sự chân dung do Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ phát thanh - truyền hình của Liên hiệp Khoa học kinh tế và công nghệ miền Nam tổ chức là một lớp học rất cần thiết. Bởi phóng sự chân dung là thể loại rất phổ biến với cả báo in và báo hình. Mặc dù lớp học chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng với phương pháp giảng dạy cụ thể, sửa lỗi chi tiết trên từng bài phóng sự mẫu đã giúp học viên chúng tôi có cái nhìn sâu sắc hơn, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho thể loại này.
Ngoài ra, trong đợt tập huấn này, chúng tôi cũng được tham gia lớp phỏng vấn, xuất hiện hiện trường (tổ chức tại hội trường của Đài PT-TH tỉnh). Cứ tưởng bộ môn xuất hiện hiện trường chỉ phù hợp với phóng viên Đài tỉnh, bởi hiếm khi phóng viên Đài Truyền thanh cơ sở được ứng dụng, vậy mà lúc thảo luận đề tài thực tập thì tất cả học viên (gồm phóng viên, cộng tác viên Đài Truyền thanh các huyện, thị, thành phố và Đài PT-TH tỉnh) đều hào hứng tham gia. Điều này phần nào cho thấy nhu cầu học tập để nâng tầm hiểu biết của các bạn trẻ rất đáng khen. Kết quả sau 2 ngày học tập, đa phần học viên đều tiếp thu tốt kiến thức chuyên môn.
Riêng tôi, được tham gia các lớp tập huấn này rất ý nghĩa vì không chỉ cho tôi thêm kiến thức, “hâm nóng” lại các kỹ năng, giúp tôi có cái nhìn mới hơn, hợp thời hơn qua những gì giảng viên truyền đạt. Và hơn thế nữa là lòng yêu nghề và cách làm nghề mà chúng tôi cảm nhận được từ thầy cô. Theo tôi, đây mới là bài học cần thiết và quý giá!
Mỹ Tiên
Theo nguồn Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"