null
Chiến thắng 30/4 và bài học về tự lực cánh sinh của dân tộc
Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"
Thứ ba, 10/05/2022, 15:45
Màu chữ
Cỡ chữ
Chiến thắng 30/4 và bài học về tự lực cánh sinh của dân tộc
Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), các thế lực thù địch lại ra rả các luận điệu "xét lại" ý nghĩa của chiến thắng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, vu khống và bôi đen ý chí quật cường, khát vọng hòa bình - độc lập của dân tộc. Dịp 30/4 năm nay, tình hình chiến sự ở Ukraine là một cái cớ để những kẻ vong ân phụ nghĩa, quay lưng với lịch sử, bày tỏ cái gọi là "chính kiến" về chiến thắng lịch sử vốn đã được cả thế giới công nhận.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng
tiến vào thành phố, ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN
"Một dân tộc không biết tự lực cánh sinh mà phải trông chờ vào sự giúp đỡ của dân tộc khác thì không xứng đáng được độc lập!" - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chắc nịch như thế. 47 năm sau khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, đã làm chủ được vận mệnh của dân tộc và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế, vẫn có kẻ đặt câu hỏi một cách ngu ngốc: nếu Việt Nam bị xâm lược, thế giới bỏ phiếu trắng thì sao nhỉ?
Có thể người đó không biết, hoặc cố tình quên rằng trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, thời gian Việt Nam bị đô hộ, xâm lược còn nhiều hơn cả thời gian được sống trong hòa bình, độc lập. Và từ khi có các tổ chức thế giới, Việt Nam đã từng bị các nước lớn nhân danh "dân chủ" đến áp đặt quyền cai trị, xem chúng ta như một thuộc địa kiểu mới. Thậm chí bị những kẻ mà sau này Liên Hiệp Quốc đưa ra tòa án quốc tế để xét xử về tội diệt chủng - tấn công, tàn sát người dân biên giới. Những khi ấy, những nước lớn đã im lặng, làm ngơ với những gì mà người dân Việt Nam phải chịu đựng. Cũng chính những lúc an nguy của đất nước bị đe dọa, cùng với sự giúp đỡ của số ít bạn bè chí tình, dân tộc Việt Nam đã không khuất phục, cũng không trông chờ lá phiếu ủng hộ mà tự giành lấy độc lập cũng như phản công tự vệ một cách hoàn toàn chính đáng. Nào đã hết, sau khi giành lấy độc lập để giành quyền tự quyết cho đất nước, chúng ta lại bị bao vây, cấm vận về kinh tế. Một lần nữa, ý chí tự lực tự cường chính là sức mạnh lớn nhất giúp chúng ta vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất, đưa Việt Nam đường hoàng trở lại với nghị trường thế giới, cất tiếng nói uy tín và khách quan, được các quốc gia khác phải công nhận, khen ngợi trong khi một số nước vẫn loay hoay với xung đột nội bộ hoặc không thể theo đuổi đến cùng mục tiêu mà cha ông họ đã đặt ra khi giành độc lập cho đất nước.
Trở lại câu chuyện với lá phiếu trắng. Như đã nói, Việt Nam là một quốc gia đã hứng chịu nhiều “cung bậc” giữa trường quốc tế. Chúng ta từng thoát khỏi tư cách là một quốc gia thuộc địa, từng chịu sự chia tách lãnh thổ, từng chịu hàng trăm năm chiến tranh, từng chiến đấu với các nước láng giềng, từng chịu bao vây cấm vận, từng bị lên án oan ức giữa nghị trường Liên Hiệp Quốc… Hơn quốc gia nào khác, chúng ta hiểu giá trị của hòa bình, hiểu được tính đúng - sai trong các mối quan hệ quốc tế, hiểu được rằng cuộc chiến giữa các phe phái chưa bao giờ đem lại lợi ích thật sự cho quốc gia.
Hãy xem chúng ta làm được gì trong những ngày qua? Chúng ta nỗ lực hết mình cùng Ba Lan, Moldova, Romania… trong việc hỗ trợ công dân Việt Nam và tôn vinh hành động của các nước này trong việc giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Chúng ta đồng tình với chủ trương thiết lập hành lang nhân đạo của Ukraine - Nga và mong hai bên ngồi đàm phán. Chúng ta không tham gia vào các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, cũng không tham gia vào các nỗ lực lên án chính quyền Ukraine.
Trong ngoại giao quốc tế, đúng - sai là hai thứ khó phân định. Nếu chúng ta ủng hộ Ukraine, thì tức là chúng ta đồng ý với việc “chọn phe”, “biến lãnh thổ thành nơi chống lại một quốc gia khác”, trái với “bốn không” trong chính sách quốc phòng. Ngoài ra, chúng ta từng không đồng tình với nước bạn vì nước bạn đã từng bỏ phiếu “chống lên án chủ nghĩa phát xít”. Nếu ủng hộ Nga, điều đó khác gì nói rằng chúng ta ủng hộ chiến tranh và giải quyết xung đột bằng vũ khí?
Ở vị thế cá nhân, yêu - ghét và quyền của mỗi người. Nhưng ở vị thế quốc gia thì đôi khi yêu - ghét không còn đúng nữa, chỉ có lợi ích quốc gia là tối thượng. Nhưng lợi ích dân tộc luôn là hàng đầu, chúng ta phải lựa chọn phương án tốt nhất cho sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai, phải đảm bảo cho đất nước có được hòa bình, phải hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, không “khinh bên nọ trọng bên kia”.
Việt Nam được biết đến là một quốc gia vươn mình từ chiến tranh, từ cấm vận, từ nghèo đói. Chúng ta đã mất nhiều thời gian, sinh mạng, máu và nước mắt để có được ngày hôm nay. Giá trị của hòa bình và quyền tự quyết là điều mà chúng ta phải luôn giữ gìn.