Liên kết web
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Cuộc thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở lĩnh vực báo chí là cuộc thi thành công

Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"
Thứ hai, 14/09/2020, 15:01
Màu chữ Cỡ chữ
Cuộc thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở lĩnh vực báo chí là cuộc thi thành công

Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu (bìa phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi. 

Với gần 30 tác phẩm của 3 loại hình báo viết, phát thanh, truyền hình được tuyển chọn trong hơn 50 tác phẩm qua vòng sơ khảo của gần 40 tác giả để Hội đồng chung khảo trao giải là một minh chứng cho sự thành công đó.
Sự thành công còn thể hiện ở chỗ - đây là lần đầu tiên có sự tham gia khá rộng của các tác giả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề: Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH Bạc Liêu, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ, các Đài Truyền thanh huyện, thị, thành phố, các cộng tác viên của báo, đài là lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng, chưa kể các tác giả ngoài tỉnh như Cà Mau… Điều này cho thấy đề tài có sức hấp dẫn và là tình cảm thiêng liêng của mọi người đối với Bác Hồ kính yêu!
Nhưng chất lượng của giải, của từng tác phẩm mới là điều đáng nói, đáng quý. Gần 30 tác phẩm ở các loại hình vào vòng chung khảo đều tập trung cao vào trọng tâm: Học và làm theo Bác trên các lĩnh vực đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người ở chừng mực nhất định của từng tác phẩm. Các tác phẩm đạt giải cao càng thể hiện rất rõ điều đó.
“Nâng cao giá trị, niềm tin của nhân dân đối với Đảng” của tác giả Hoàng Lam - Hữu Thọ (Báo Bạc Liêu) đoạt giải A loại hình báo viết. Tác phẩm có đoạn: Cho đến nay, lời dạy của Bác Hồ về trọng dân vẫn còn nguyên giá trị. Người cho rằng, muốn trọng dân thì trước nhất phải gần dân và hiểu dân. Học và làm theo lời Bác dạy, các cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian qua luôn bám sát dân, gắn bó mật thiết trong mọi mặt đời sống Nhân dân... Không chỉ vì nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh mà gần dân còn là cách để giữ cho tình cảm của Đảng với dân ngày càng bền chặt và thấm đượm hơn… Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho Đảng và nhân dân, Bác Hồ đã căn dặn: Phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Bởi dân chính là gốc, có dân là có tất cả, mất lòng tin của nhân dân là mất hết… Học Bác và làm theo Bác từ những công việc hằng ngày, đâu cần phải là những gì to tát. Đôi khi những hành động, việc làm bình thường nhưng xuất phát từ tấm lòng, với mục đích trong sáng là đủ sức thu phục lòng dân…
“Bí thư chi bộ ấp nghèo” của tác giả Minh Khai - Anh Tuấn (Đài PT-TH tỉnh) đoạt giải B loại hình PT-TH. Tác phẩm miêu tả: Muốn đến được nhà “Bí thư chi bộ ấp nghèo” (ấp Đầu Lá, xã Long Điền, huyện Đông Hải), đoàn nhà báo chúng tôi phải mất gần 30 phút ngồi vỏ lãi vượt kênh xáng Hộ Phòng. Khi cập bến thì con đường dẫn vào nhà bí thư sình lầy, trơn trượt sau những cơn mưa… Làm bí thư chi bộ ở cái ấp không có lộ xe, nên chuyện “lội bộ” mỗi ngày hàng chục cây số để mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với dân là công việc thường xuyên của Bí thư Mênh (Nguyễn Văn Mênh). 25 năm tuổi Đảng cũng là ngần ấy thời gian ông cống hiến cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ấp mình… Mỗi con đường, mỗi ngõ ngách đều có dấu chân ông. Gian nan, vất vả nhưng trên môi Bí thư Mênh luôn có nụ cười… Ông đi đến đâu, dân cũng thương, cũng quý và gọi tên ông trìu mến khi thấp thoáng đằng xa… Ông cũng là người tìm tòi, gom góp, học cách làm ăn hay chỉ lại cho người dân trong ấp để họ đỡ khổ… Nhiều lúc quá vất vả, ông cũng muốn xin thôi chức Bí thư, nhưng dân “không đồng ý”, bản thân ông cũng thương họ quá nhiều… Và niềm tin yêu với Đảng, với dân lại trỗi dậy…
Cuộc thi còn nhận được nhiều tác phẩm giá trị khác nữa. Mỗi tác phẩm là một đặc sắc riêng, một góc nhìn riêng, một cách chia sẻ với những cung bậc cảm xúc riêng… nhưng tất cả đều có chung tình yêu thiêng liêng với Bác, học và làm theo Bác bằng một thái độ nghiêm túc nhất.
“Nặng nghĩa mâm cơm ngày giỗ Bác” của tác giả Lâm Anh, “70 năm thực hiện tác phẩm Dân vận khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của tác giả Hoàng Uyên, “Trọng dân, cầu thị lắng nghe dân để giải quyết yêu cầu, khiếu nại của dân” của Tấn Đạt, “Học Bác chăm lo đời sống nhân dân: Những ông bụt giữa đời thường” của Lư Dũng, “Những ngôi trường mọc lên từ lòng dân” của Châu Khánh, “Những trưởng ấp hết lòng vì dân” của Cẩm Thúy, “Học Bác vun đắp sự nghiệp trồng người” của Kim Trúc, “Ông Tám lúa giống” của Tuấn Kiệt - Xuân Tuấn, “Thượng tọa Tăng Sa Vong làm theo gương Bác” của Văn Út - Huy Thống, Mô hình “giờ làm việc thứ 9” của Hùng Cường - Minh Hải, “Lời hứa với Đảng” của Thu Ngọc… là những minh chứng cho những điều vừa nêu; đồng thời đây cũng là những tư liệu, là sự khơi nguồn, nhắc nhớ, động viên, thôi thúc để người người học và làm theo gương Bác.
Tuy nhiên, Ban giám khảo cũng nhận được những tác phẩm “chưa đủ tầm” trong học Bác. Đó là những tác phẩm “học Bác” bằng cách liệt kê công việc chung chung, hình thức, thậm chí gượng gạo. Học Bác là việc làm tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim. Học Bác đâu cần đến những điều cao siêu, to tát. Những việc làm nhỏ nhất, gần gũi nhất vẫn làm lay động lòng người - cái quan trọng là sự thành tâm trong mỗi hành động của mỗi chúng ta… “Ông Lạc “què” và câu lạc bộ một nghìn đồng” của Việt Sử (Báo Bạc Liêu) và “Tấm lòng cô giáo miền biển” của Tuấn Kiệt - Anh Tuấn (Đài PT-TH), “Nắng từ phía Tà Bông” của Nam Kha (Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ) đã ít nhiều nêu được những điều bình dị mà chân tình ấy…
Một điều cần chỉ ra là nhiều tác giả chưa có ý thức “sáng tạo tác phẩm để dự thi” nên chưa quan tâm đến việc tìm tòi tư liệu, đào sâu để tìm nhân vật, thiếu sự đầu tư cho đề tài ngay từ đầu… đến khi “nước đến chân mới nhảy” thì không còn kịp, nên dẫn đến xào nấu những chất liệu cũ, đề tài cũ… dẫn đến sự gượng gạo, thiếu sự rung cảm… làm cho tác phẩm nhạt nhòa, nhân vật trong tác phẩm chỉ “học Bác” mang tính phong trào, làm cho tác phẩm thiếu hồn và thiếu chiều sâu…
Một góp ý có tính kiến nghị với Ban tổ chức cuộc thi cấp Trung ương là: thời gian quy định cuộc thi ban đầu ngắn quá (chỉ trên dưới 5 tháng). Đến gần cuối hạn thì mở rộng thêm thời gian (được phép chọn những tác phẩm từ tháng 5/2015 đến nay). Dù sự mở rộng - rất rộng về thời gian - nhưng thực tế ít có tác giả nào tích cực đầu tư, chỉn chu những tác phẩm đã viết trong… quá khứ. Thường là bê nguyên cái đã có - mà những tác phẩm này khi viết phần lớn “không có ý thức dự thi”, dẫn đến “nội dung phù hợp” cuộc thi không nhiều.
Rồi trong quy định, mỗi chuyên ngành chỉ được chọn “không quá 5 tác phẩm”. Ở đây có sự “làm khó” cho Ban giám khảo. Vì chỉ có 5, nên tâm lý Ban giám khảo thường cũng chọn 5 tác phẩm “dàn đều” cho 5 tác giả (dù một tác giả có nhiều tác phẩm hay) nên có sự thiếu “sòng phẳng” về mặt chất lượng. Một tác phẩm hay phụ thuộc vào chủ đề, sự đầu tư, tâm huyết, tay nghề, sở trường, sở đoản và lĩnh vực tác giả phụ trách…
Đó là những nhược điểm và thực tế rút ra, xin kiến nghị cho những cuộc thi sau tốt hơn.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể cuộc thi, Ban giám khảo có thể khẳng định rằng, cuộc thi: Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (đối với lĩnh vực báo chí tỉnh Bạc Liêu) thành công, đạt được những yêu cầu, mục tiêu Ban chỉ đạo Trung ương và tỉnh đề ra. 
 

Số lượt xem: 921

Nguyễn Duy Hoàng - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu Nguồn: Đặc san “Nhà báo & Nghề báo”

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ BÁO TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Duy Hoàng
Địa chỉ: Số 25, đường Lê Văn Duyệt, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 07813.828 381. Fax: 07813.282 381