Liên kết web
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Giáo dục Bạc Liêu: Những bước tiến dài từ một vùng trũng

Festival ĐCTTQG Bạc Liêu 2014|Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"
Thứ sáu, 28/08/2020, 16:05
Màu chữ Cỡ chữ
Giáo dục Bạc Liêu: Những bước tiến dài từ một vùng trũng

Trong những ngày đầu đất nước thống nhất năm 1975, và ngay cả khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập vào năm 1997, ngành Giáo dục vẫn luôn đứng trước rất nhiều thử thách, thiếu thốn: thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vừa thiếu lại vừa yếu, dân trí thấp... Thế nhưng, trải qua 45 năm thống nhất đất nước cũng là quãng thời gian ngành Giáo dục non trẻ của Bạc Liêu ngày ấy từng bước vươn mình, trưởng thành với những “kỳ tích”.

​​​​​​​

Các nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

      TỪ NHỮNG LỚP HỌC CA 3

       Không thể nào nói hết những khó khăn, thử thách mà ngành Giáo dục tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung đã trải qua trong những năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi ấy, toàn ngành chỉ có trên 100 cán bộ quản lý, giáo viên, còn trường, lớp đa phần chỉ tạm bợ bằng cây lá địa phương… Bên cạnh đó, ngành phải đối mặt với một vấn đề không kém phần nhức nhối là tình trạng học sinh bỏ học, học sinh không được đến trường, nhất là trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, mầm non… Tất cả những vấn đề ấy đã khiến cho tỉnh thành vùng trũng giáo dục so với cả nước.

Những người thế hệ 7X như chúng tôi vẫn còn nhớ như in cảnh chân bàn học được đóng bằng cây xuống nền đất, bên trên lót những miếng gỗ tạm bợ để làm bàn, làm ghế. Xung quanh trống huơ, trống hoác. Thời điểm năm 1992, khi tôi học lớp 10 tại Trường THPT Vĩnh Lợi (nay là Trường THPT Lê Thị Riêng), vẫn còn tồn tại những phòng học bằng cây lá. Một người bạn trạc tuổi học tại thị xã Bạc Liêu thì cho biết, do thiếu phòng học nên những học sinh tiểu học, THCS thời điểm đó phải học ca 3 (từ 11 - 13 giờ) là rất phổ biến.

        Theo số liệu thống kê, tại thời điểm tháng 12/1998, tỷ lệ trẻ em đúng 6 tuổi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh chiếm 96,3%, tỷ lệ trẻ em vào nhà trẻ chỉ chiếm 1,42%, tỷ lệ trẻ em vào mẫu giáo chiếm 25,78%, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi không được đi học cấp 1 chiếm gần 5%, học sinh bỏ học gần 2%... Những con số trên đã phản ánh thực trạng chung của ngành Giáo dục sau hơn 20 năm kể từ ngày giải phóng trong bối cảnh công tác đầu tư cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn khá ì ạch.

       Trong ký ức của những nhà giáo đã đi qua thời gian khó ấy, đó là quãng đường rất gian khổ với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chật vật, điều kiện công tác, giảng dạy gần như là con số 0. Không chỉ thế, hạ tầng giao thông, đường sá cũng là một thử thách không nhỏ cho những giáo viên đến lớp. Mùa nắng thì có thể đi bộ trên những con đường đất xa hàng cây số để đến lớp nhưng mùa mưa thì chỉ đi đò hoặc quá giang ghe của người dân. Do đó, có nhiều điểm trường xa ở vùng sâu bị “cô lập” với trường trung tâm hàng tháng trời vì giáo viên không về được, phải ở tạm nhà dân để tiện cho việc gieo chữ.

       ĐẾN THÀNH QUẢ… HỌC NGÀY 2 BUỔI

       Thành quả của ngành Giáo dục hôm nay bắt đầu từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo khi xác định “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững”. Ngay trong lúc còn khó khăn, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, huy động toàn xã hội cùng chung tay chăm lo cho giáo dục. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, đặc biệt là ở địa bàn vùng khó khăn, nâng dần chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý… đã giúp ngành Giáo dục tỉnh nhà vươn lên, lập nên những “kỳ tích”.

      Nếu như năm 1976 toàn tỉnh Minh Hải (tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu bây giờ) chỉ có 142 trường học (trong đó đa phần là những phòng học tranh, tre, nứa, lá) quy mô trên 100.000 học sinh. Năm 2007, sau 10 năm tái lập, trên địa bàn tỉnh số trường lớp đã phát triển lên đến 234 trường. Đến năm 2009, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã có phòng học kiên cố. Trong đó có 64 trường mầm non, 154 trường tiểu học, 67 trường trung học cơ sở… Và hiện nay, năm 2020, đã có 297 trường trung tâm, 317 điểm trường lẻ. Trong đó, có 174 trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Hiện, các địa phương đã đảm bảo 1 phòng học/lớp học và triển khai hiệu quả việc học 2 buổi/ngày.

     Việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp khang trang, hiện đại, các phòng chức năng, phòng bộ môn, các công trình phụ như sân trường, hàng rào, cây xanh, nhà vệ sinh… hoàn chỉnh đã góp phần đưa diện mạo của giáo dục Bạc Liêu lên một “chuẩn” mới khi các đơn vị ra sức thi đua thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “xanh - sạch - đẹp”…

Đội ngũ giáo viên, nguồn lực quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của nền giáo dục cũng đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ đội ngũ vừa thiếu về số lượng, non về kinh nghiệm lúc ban đầu, đến nay toàn ngành đã có gần 10.000 người, với đa phần cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định.

     Nhìn lại chặng đường 45 năm, nhất là cột mốc 23 năm từ ngày tái lập tỉnh đến nay để thấy những thành quả ngành Giáo dục đạt được thật đáng tự hào. Đây cũng là nền tảng vững chắc để giáo dục Bạc Liêu có những bước tiến vững chắc hơn, góp phần tích cực hơn vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

KHÁNH CHÂU

Số lượt xem: 421

Nguồn: Đặc san “Nhà báo & Nghề báo”

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ BÁO TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Duy Hoàng
Địa chỉ: Số 25, đường Lê Văn Duyệt, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 07813.828 381. Fax: 07813.282 381