Kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Điện ảnh - Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2020) Chiếu bóng Bạc Liêu... nhớ thời xa vắng!

Buổi chiếu phim cho sinh viên Trường Đại học Bạc Liêu nhân kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam - 30/4 của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bạc Liêu (nay đã giải thể). Ảnh: H.T
Ngày 15/3/1953 tại Đồi Cọ, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Từ đó, ngày 15/3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của người làm công tác điện ảnh, nhiếp ảnh trên khắp cả nước. Riêng đối với Bạc Liêu, sau sự kiện kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình, tháng 6/1966 Tỉnh ủy Ninh Bình đã cử 2 đồng chí là Phạm Như Cương và Nguyễn Văn Huệ mang máy móc, dụng cụ chiếu bóng vào với Bạc Liêu cùng anh em thành lập đội chiếu bóng. Có thể nói, chính từ sự kiện vì miền Nam thân yêu của Ninh Bình lúc bấy giờ đã đặt nền móng đầu tiên khai sinh ra nền điện ảnh tỉnh Bạc Liêu. Hai người con Ninh Bình vượt dải Trường Sơn năm ấy đã giúp cho Bạc Liêu lần đầu tiên thành lập Đội chiếu bóng Bạc Liêu - Ninh Bình vào năm 1966. Sau này, khi hồi tưởng lại khoảng thời gian vào với Bạc Liêu, chú Hai Cương (Phạm Như Cương) vẫn một lòng quả quyết: “Nếu cho thời gian quay lại, tôi sẽ vẫn tình nguyện vào với Bạc Liêu. Dù có vượt dải Trường Sơn, dù có gian nan vất vả, anh em tôi (cùng với chú Nguyễn Văn Huệ) sẽ vẫn đi bằng đôi chân của mình đem máy móc chiếu bóng vào cho bà con Nhân dân Bạc Liêu. Bởi Bạc Liêu đón đợi chúng tôi!”. Chính nhờ tấm lòng của anh em Ninh Bình thương yêu ấy mà bộ đội, Nhân dân Bạc Liêu được biết nhiều hơn đến phim ảnh.
Sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh Minh Hải thành lập thêm Đội chiếu bóng số 2 vào năm 1976. Kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng được cùng đồng đội, anh em tham gia đội chiếu bóng, anh Trương Minh Hiếu, nguyên Đội trưởng Đội chiếu bóng số 2 chia sẻ: “Lúc vào tham gia đội chiếu bóng, tôi mới 22 tuổi và các thành viên còn lại có người 16, 17 tuổi. Đội của tôi có 7 người nhận nhiệm vụ chiếu bóng trên địa bàn Minh Hải xưa (bao gồm Bạc Liêu và Cà Mau), địa bàn rộng lớn và đường sá đi lại rất khó khăn nhưng đó lại là ký ức mà tôi không thể nào quên cho đến hôm nay”.
Anh Hiếu cùng đội chiếu bóng của mình có khi xuất phát làm nhiệm vụ là đi cả tháng trời mới về nhà. Anh em có gì mang theo cái nấy, kênh rạch nhiều mà anh em không biết bơi, cứ mỗi lần đi là ôm theo thùng phuy để dự phòng. Đi tới đâu cắm lều, căng mái che nghỉ ngơi; cơm thì bà con Nhân dân nơi đoàn đến lo lắng chu toàn, khi chiếu xong người dân lại còn cho keo mắm cá, con khô để dành ăn dần trên đường đi.
Hồi nhớ lại quá xứ ấy, anh Hiếu cứ tấm tắc mãi tấm lòng của bà con mình dành cho các anh. Thời nghèo khó ấy, đoàn chiếu bóng đi làm nhiệm vụ chỉ có 2 bộ phim làm vốn, mà chiếu 2 đêm là hết vốn nhưng bà con cứ năn nỉ anh em ở lại vài ngày để nhà nào trúng cá, trúng khoai gom góp cho đoàn có cái ăn mà đem theo. Ngày ấy, tuy khó khăn cơ cực nhưng tình người lại hào sảng và mênh mông lắm.
Tôi hỏi anh nghĩ gì về ngày của mình (Ngày truyền thống Điện ảnh - Nhiếp ảnh Việt Nam), anh nói “Nếu mà có điều kiện, anh nghĩ nên cho thành lập lại một đội chiếu bóng và đi chiếu khắp nơi như ngày xưa. Biết rằng bây giờ tivi, máy phát, điện thoại nhiều, phim ảnh đâu có thiếu; nhưng anh thấy mấy bạn trẻ sau này thiếu cái hiểu biết thế nào là chiếu bóng lưu động và những người lớn tuổi như anh thiếu cái cảm giác ngày xưa”.
Ừ... tôi cũng thấy hay với suy nghĩ ấy, rồi mình sẽ có những buổi ngồi ngoài sân; già trẻ lớn bé, xóm giềng coi chung một màn ảnh; cười chung một khoảng trời và tíu tít trò chuyện với nhau. Hẳn là, có những cái lỗi thời nhưng không có nghĩa không còn chất kết nối và giá trị. Chúng ta cứ mạnh dạn hồi nhớ lại thời xa vắng ấy và mạnh dạn nói với nhau những điều bản thân ao ước, biết đâu được... ký ức bớt xa và tình người sẽ không vắng!
NAM KHA