 |
Phóng viên Đài PT-TH Bạc Liêu thực hiện chuyên đề về nghệ thuật Đờn ca tài tử. |
Tầm quan trọng của lời bình trong tác phẩm truyền hình
Trong các cuộc Liên hoan Truyền hình toàn quốc do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hàng năm, thỉnh thoảng có một số tác giả thử nghiệm việc thực hiện tác phẩm truyền hình không cần sử dụng lời bình. Xuyên suốt trong tác phẩm chỉ có hình ảnh và âm thanh tại hiện trường kết hợp với việc sử dụng âm nhạc.
Ở Đài PT-TH Bạc Liêu, những năm trước đây trong tiết mục “Ống kính phóng viên” cũng có đôi lần anh em phóng viên phòng Thời sự thử nghiệm hình thức này. Công bằng mà nói thì sự sáng tạo này cũng đã đem đến cho người xem cái cảm giác mới, lạ, ít nhiều gây được sự chú ý nhất thời cho khán giả. Thế nhưng, xét trên thực tế để tạo ra một tác phẩm kiểu như vậy thật không dễ chút nào. Mặt khác, nếu đầu tư chưa tới về hình ảnh,về âm thanh thì mục đích, yêu cầu của tác phẩm không thể đạt được. Hơn nữa những tác phẩm kiểu như vậy thường thì rất kén chọn khán giả. Chính xác hơn, nó chỉ dành riêng cho những người có tìm hiểu, nghiên cứu lĩnh vực truyền hình. Nói tóm lại hình thức thực hiện tác phẩm truyền hình không cần lời bình cho đến bây giờ cũng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm và tham khảo. Với nhu cầu thông tin nhanh, nhạy, chính xác của báo chí và sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực truyền thông như hiện nay thì yếu tố lời bình trong tác phẩm truyền hình càng khẳng định tầm quan trọng của mình trong từng tác phẩm.
Trong những thể loại đang được các kênh truyền hình sử dụng hiện nay thì vai trò của lời bình thể hiện rõ nhất, sâu sắc nhất là ở thể loại phóng sự và phim tài liệu. Ở hai thể loại này, nhiệm vụ của lời bình đã góp phần làm rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm hoặc những ý nghĩa mà hình ảnh không nêu được hết. Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, một số nội dung mà hình ảnh không thể hiện được nhiều đạo diễn đã sử dụng các biểu đồ, hình vẽ để minh họa, song tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức làm sinh động thêm cho tác phẩm. Ngược lại với lời bình bằng việc sử dụng khéo léo câu, chữ, cộng với các thủ pháp so sánh, ẩn dụ, nhân cách hóa… lời bình đã nâng tầm ý nghĩa xã hội của vấn đề, nâng tầm hình ảnh, góp phần cho tác phẩm hoàn thiện hơn.
Xin nêu ra đây một vài ví dụ nhỏ để qua đó chúng ta cùng nhận thấy tầm quan trọng như thế nào của lời bình trong tác phẩm truyền hình. Nguyên tắc thông tin của báo chí phải là người thật, việc thật. Như vậy, đối với những phóng sự đề cập đến vấn đề tiêu cực trong xã hội như: tham ô, nhũng nhiễu, hạch sách người dân thì làm gì có đủ hình ảnh để thể hiện chủ đề, mục đích của phóng sự. Mặt khác, trong trường hợp này người làm phóng sự dù có tài ba đến mấy, khéo kéo đến mấy cũng không thể thực hiện bất kỳ một thao tác dàn dựng nào. Thế nhưng, chỉ cần thông qua các con số, hình ảnh tư liệu, kết hợp với yếu tố kỹ thuật đồ họa, lời bình sẽ nói được những gì mà tác giả cần nói.
 |
Phóng viên Đài PT-TH Bạc Liêu tác nghiệp đề tài nghị lực vượt khó của người khuyết tật. Ảnh: H.T |
Viết lời bình dễ hay khó?
Phải thừa nhận một điều là viết lời bình cho tác phẩm truyền hình là một công việc không dễ dàng. Trước hết, người viết phải xác định được liều lượng của lời bình ở chừng mực nào trong từng tác phẩm. Theo nguyên tắc, lời bình được viết khi hình ảnh đã thực hiện xong công tác bố cục, sắp xếp đúng theo trình tự (xong phần dựng thô). Người viết chỉ được phép viết theo những hình ảnh đã ghi được trong đề tài đang thực hiện. Thế nên người viết sẽ bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định. Muốn nói nhiều, nói ít về một vấn đề nào đó thì cũng phải cân nhắc xem hình ảnh có cho phép hay không; đủ thời lượng, ăn khớp với hình ảnh, không thừa, không thiếu, thậm chí từ ngữ phải đúng từng giây, từng frame hình thì mới đạt hiệu quả cao.
Nhà văn, nhà báo Khiếu Quang Bảo, một trong những người nghiên cứu khá sâu về lĩnh vực truyền hình cho rằng: “Đừng hiểu “lời” là để thuyết minh cho “hình ảnh”. Cao hơn, nó định hướng nhận thức cho người xem thông qua hình ảnh sự kiện. Thậm chí, lời bình đó tác động mạnh mẽ vào thính giác lấn át cả thị giác, đến nỗi người xem bỏ qua luôn đôi khi có sự vụng về của dựng hình. Lại thậm chí, lời bình có thể làm thay đổi hoàn toàn bản chất của sự kiện”.
Lời bình chỉ được phép nói những gì mà người xem hình ảnh chưa cảm được, chưa thấy được. Nhiệm vụ của người viết lời bình là dùng lý lẽ cộng với các thủ pháp văn học để làm rõ và nâng tầm hình ảnh chứ không phải nói lại những gì mà người xem đã thấy được, cảm nhận được qua hình ảnh. Thế nên, trong lời bình hầu hết các tác giả có tay nghề đều không dùng lối văn miêu tả, ngôn ngữ của lời bình thường mang tính bắc cầu nhằm tạo sự liên tưởng cho người xem biết được, hiểu được những vấn đề phía sau khuôn hình, những gì có thể xuất hiện, có thể xảy ra từ những vấn đề vừa cảm được từ hình ảnh đang theo dõi.
Ví dụ như có một đoạn phim, hình ảnh thể hiện như sau: Có một người phụ nữ ôm đứa con nhỏ trong lòng, nằm co ro trên võng trong căn nhà dột nát. Ngoài trời, gió thổi mạnh và mưa đang nặng hạt… Với một loạt hình ảnh như vậy thì lời bình phải xử lý sao cho hình ảnh được nâng tầm? Lời bình: “Chắc lúc này mẹ con chị lạnh lắm! Nhưng xem ra cái lạnh của cơ thể có là gì nếu so với cái lạnh của tâm hồn. Thế mới biết cái cảnh cô đơn, cái nghèo nó nghiệt ngã đến nhường nào…”, đã gợi mở cho người xem nhiều suy nghĩ hơn, nhiều thông tin hơn. Lời bình hoàn toàn không đề cập lại những gì người xem đã thấy được qua hình ảnh.
Qua ví dụ vừa nêu ta thấy, viết lời bình cho tác phẩm truyền hình, nhất là phóng sự cũng như phim tài liệu quả thật không đơn giản. Nói một khía cạnh nào đó, viết lời bình trong tác phẩm truyền hình chính là việc bàn bạc, bình luận về những hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm để định hướng cách nhìn nhận, đánh giá của khán giả về một chủ đề nào đó mà tác phẩm đã đề cập đến.
Nguyễn Minh Sang
Theo nguồn Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"