Là loại rau có giá trị dinh dưỡng, cũng như giá trị kinh tế cao, tuy nhiên để có được sản phẩm măng tây đạt chất lượng thì đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật, cũng như sự nhẫn nại.

* Nông dân Trương Minh Bạch (bìa phải) và cán bộ xã Vĩnh Trạch Đông tham quan mô hình trồng măng tây.
Nhiều năm trước, TP. Bạc Liêu có chủ trương đưa cây măng tây về trồng, giúp nông dân phát triển kinh tế nhưng số hộ thành công rất ít, do đó nhiều người đã chuyển sang trồng loại cây khác. Trái ngược với nhiều người, ông Trương Minh Bạch (xã Vĩnh Trạch Đông) lại kiên trì bám trụ với cây măng tây. Sử dụng kinh nghiệm trồng màu lâu năm cùng với vốn kỹ thuật học hỏi được từ các lớp tập huấn, tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, ông Bạch đã “thuần hóa”, giúp cây măng tây phát triển rất tốt trong suốt 6 năm qua. Điều đặc biệt là năm 2018, cây măng tây của ông Bạch trồng được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, bước đầu tiếp cận được với thị trường khó tính và đưa sản phẩm của mình vào Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu.
Theo nông dân Trương Minh Bạch, măng tây là loại cây khó tính, phải trồng trên đất cao ráo nhưng lại cần lượng nước tưới nhiều. Măng tây sau trồng có khả năng cho khai thác được 4 - 6 năm; nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học và vi sinh vì sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có giá cao hơn. Với mức giá 120.000 đồng/kg, trên tổng diện tích 3.000m2 đất trồng măng tây cho thu hoạch mỗi ngày từ 7 - 8kg, gia đình ông Bạch “bỏ túi” gần 1 triệu đồng. Ông Bạch hào hứng chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn gắn bó lâu dài với măng tây thì phải chịu khó chăm sóc để cây phát triển tốt, đảm bảo về dinh dưỡng. Thời gian khoảng 1 năm đầu năng suất sẽ không cao, lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, khi cây đủ khỏe sẽ cho sản lượng gấp đôi, gấp 3 năm đầu. Trồng măng tây cần thu hoạch 2 tháng thì nghỉ 1 tháng để tỉa, dưỡng cây, như vậy năng suất, chất lượng mới cao
“Ông Trương Minh Bạch là một nông dân sản xuất giỏi, kiên nhẫn với tinh thần cầu tiến cao nên sau 1 - 2 năm đầu trồng thử nghiệm, ông đã thành công. Với việc trồng măng tây theo hướng sạch, an toàn, Hội Nông dân TP. Bạc Liêu cũng quan tâm xúc tiến để giúp đưa sản phẩm của ông Bạch vào thị trường, nhất là đối tác khó tính như siêu thị”, ông Trần Văn Nhớ - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Bạc Liêu nhận xét.
Có thể nói, ông Trương Minh Bạch là một trong số những nông dân hiếm hoi trên địa bàn tỉnh được đưa sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị, nhà hàng. Tuy diện tích sản xuất của gia đình ông Bạch còn khiêm tốn, nhưng đây được coi là bước phát triển bền vững cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân hiện nay, bởi đã mở ra niềm hy vọng gắn kết trong sản xuất để loại bỏ khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
CHÚC CHI