Trong 45 năm qua, từ ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2020), ngành Nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng là “trụ đỡ” trong nền kinh tế - xã hội. Với nông nghiệp Bạc Liêu, con tôm, cây lúa là hai sản phẩm chủ lực. Phát huy thế mạnh này, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa đông xuân
NHỮNG THÀNH TỰU TỪ ỨNG DỤNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
Từ một nền nông nghiệp độc canh cây lúa, mang tính tự cung tự cấp, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên nông nghiệp Bạc Liêu ngày càng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Qua 45 năm, nông nghiệp Bạc Liêu từ sản xuất nhỏ lẻ đã tiến dần đến sản xuất tập trung và đẩy mạnh liên kết với những cánh đồng lúa lớn với diện tích từ 100ha trở lên. Từ sản xuất một vụ, nay nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học mà nâng lên từ 2 - 3 vụ/năm. Hệ thống thủy lợi đơn sơ đã được thay bằng hệ thống các ô đê bao khép kín, các trạm bơm điện chủ động hoàn toàn trong việc tưới tiêu, xổ úng cho cây lúa. Nếu trước đây năng suất lúa chỉ đạt vài trăm ký lúa/ha thì nay đã lên đến 7- 8 tấn lúa/ha.
Đặc biệt, Bạc Liêu hiện được cả nước biết đến với những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín. Năng suất tôm nuôi đạt từ 80 - 120 tấn/ha mặt nước. Ngoài ra, còn các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm thâm canh và bán thâm canh, mô hình quảng canh cải tiến; các mô hình kết hợp tôm - rừng, tôm - cua - cá, mô hình lúa - tôm… Tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để đưa Bạc Liêu trở thành Trung tâm công nghiệp tôm của ĐBSCL cũng như cả nước, qua đó từng bước nâng tầm tôm Việt, xây dựng thương hiệu tôm khẳng định chất lượng tôm Việt trên thị trường thế giới..

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu.
HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được xác định là cốt lõi, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu công nghệ cao có chức năng thực hiện các hoạt động ứng dụng các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực thủy sản mà trọng tâm là phát triển con tôm. Đây là điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp từng bước tiếp cận và xin đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có 12 tập đoàn, công ty, đơn vị và hơn 300 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín với tổng diện tích 1.248ha, sản lượng đạt hơn 6.000 tấn.
Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, song song với việc xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, tỉnh đã có các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển nuôi tôm; Phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển; Nhân rộng các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín... Giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới để xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc. Hướng tới ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận ASC, MSC, CoC, GlobalGAP, BMP… vào các vùng nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng…
Với lúa, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình cánh đồng lúa lớn và liên kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, nâng cao tỷ lệ canh tác giống lúa chất lượng cao, lúa mới, nhất là sớm triển khai canh tác giống lúa ST24, ST25 trên đất tôm - lúa; áp dụng chương trình IPM, “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, sử dụng tiết kiệm nước...
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trong 45 năm qua, nông nghiệp Bạc Liêu đã có những thành tựu vượt bậc, đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho ra tôm sạch, lúa an toàn đã giúp tỉnh có được những sản phẩm nông sản chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”.
MINH ĐẠT