Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 88 năm hoạt động, trưởng thành và phát triển, luôn đồng hành cùng với những bước thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử đất nước.
Hoạt động báo chí luôn giữ vai trò xung kích mở đường bằng công tác thông tin, tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng của Đảng, trong mọi cuộc vận động cách mạng. Và báo chí đã đáp ứng nhu cầu thông tin, một nhu cầu tinh thần thiết yếu của con người mà bất cứ xã hội nào, thời kỳ nào cũng hiện hữu. Ngay trong những lúc khó khăn nhất thì thông tin của báo chí càng tỏ ra có tác dụng và giá trị lại càng cao. Thực tiễn đã chứng minh điều đó, và vì vậy mà vai trò, vị trí của báo chí, thông tin đã được các thế hệ lãnh đạo cách mạng Việt Nam khẳng định rõ trong thời gian qua.
Hoạt động báo chí của tỉnh ta từ sau ngày giải phóng đến nay được quan tâm củng cố xây dựng và phát triển không ngừng. Đội ngũ những người làm báo đã trưởng thành hơn, có khả năng tiếp cận những kiến thức mới để ngày càng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ công lao những người đi trước, trong đó có những cán bộ kỳ cựu, những nhà báo lão thành đã góp phần xây dựng đội ngũ báo chí hôm nay. Từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu, chúng ta lại qui tụ, sắp xếp hình thành tổ chức các cơ quan báo chí kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Những thành tựu trên các lĩnh vực của tỉnh hơn 15 năm qua có sự đóng góp rất lớn của các hoạt động báo chí.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà báo chí và thông tin phát triển chưa từng có; công nghệ thông tin với kỹ thuật hiện đại đã tạo điều kiện cho hoạt động báo chí đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của xã hội. Thông tin ngày nay vô cùng phong phú, đa dạng, nhanh chóng, và đi kèm theo đó là vấn đề phức tạp về kiểm soát, quản lý nội dung. Cùng với báo in, báo nói, báo hình thì mạng Internet đã phủ trên toàn cầu, làm thay đổi tư duy trong hoạt động báo chí truyền thống. Từ đó sự cạnh tranh trong thông tin cũng trở nên gây gắt hơn. Thời gian gần đây những phát sinh tiêu cực trên báo mạng và những bất cập trong quản lý đã làm cho những người có trách nhiệm thật sự quan tâm và đặt vấn đề. Đó là những vấn đề của công tác quản lý báo chí.
Báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng. Hoạt động báo chí chịu sự lãnh đạo và định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Báo chí có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Do vậy, báo chí phải phục tùng sự lãnh đạo và quản lý đó, hướng vào phục vụ lợi ích chung của Đảng và nhân dân, không vì lợi ích nào khác.
Chúng ta không mơ hồ, không nhập nhằng với quan điểm báo chí tư sản, mà luôn khẳng định một cách rõ ràng quan điểm của Đảng đối với báo chí. Thông tin trên báo chí là thông tin có chủ đích, có định hướng và mục tiêu rõ ràng. Vì vậy công tác quản lý báo chí luôn được xem trọng và đặt ra vấn đề phải làm thường xuyên. Để báo chí hoạt động đúng hướng, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, quản lý hiệu quả. Ngày 23/4/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 155- QĐ/TW “Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí”. Quy định nêu rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí. Sở Thông và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức thực hiện quy định này.
Về chất lượng thông tin của báo chí. Vấn đề này đã có nhiều người nói đến với mong muốn được các cơ quan báo chí quan tâm. Cũng như các loại sản phẩm khác, sản phẩm thông tin cần phải có chất lượng. Vì có như vậy thì người tiêu dùng mới ưa chuộng. Vậy, thế nào là thông tin có chất lượng ? Theo tôi, thông tin có chất lượng được hiểu nôm na là thông tin phản ánh đúng sự thật, đúng lúc, đúng yêu cầu, có tính giáo dục tư tưởng và có văn hóa.
Chúng ta biết, con người sống trong xã hội luôn luôn cần thông tin, đó là nhu cầu thiết yếu của sự tồn tại và phát triển diễn ra thường xuyên liên tục. Nhưng không phải thông tin nào cũng cần đến mà người ta cần những thông tin có liên quan thiết thân với đời sống của họ. Đối với từng giới, từng nhóm người hay từng cộng đồng dân cư... có nhu cầu thông tin khác nhau. Vì vậy tin tức đưa lên báo, đài phải được chọn lọc trên cơ sở nhu cầu khác nhau đó. Mặt khác, đời sống xã hội diễn ra không phải lúc nào cũng giống nhau nên báo chí phải đi sát thực tế, phản ánh được hơi thở của cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cơ quan chỉ đạo có định hướng thông tin, nhưng chỉ là định hướng chung, báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chủ động trên cơ sở thấu hiểu đời sống xã hội. Khi thông tin đúng sự thật, đúng lúc, đúng yêu cầu... sẽ tạo được sức hấp dẫn với người nhận thông tin. Mức độ hấp dẫn của báo chí chính là mức độ hài lòng, thỏa mãn của số đông người đọc, người xem đối với nội dung được phản ánh trên báo chí. Đó là những yêu cầu mà tôi nghĩ những người làm báo đã từng quan tâm.
Về trách nhiệm xã hội của nhà báo. Khi đặt vấn đề trách nhiệm của nhà báo, nhiều người đồng tình là nhà báo trước hết phải có trách nhiệm đối với xã hội. Đây là trách nhiệm của nhà báo đối với Nhà nước và xã hội khi thực hiện chức nghiệp của mình. Không thể có được sự chân thật, khách quan nếu nhà báo không có trách nhiệm xã hội. Trong nghề báo, thông tin được hiểu như là một của cải xã hội chứ không phải là một sản phẩm thông thường. Điều đó có nghĩa là nhà báo chia sẻ trách nhiệm về thông tin được loan truyền. Do đó, nhà báo không chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý, mà xét cho cùng còn chịu trách nhiệm trước toàn bộ công chúng với những lợi ích xã hội đa dạng.
Thông tin báo chí có tính xã hội rất cao, đáp ứng đa dạng sự quan tâm, sở thích và nhu cầu, tác động cùng lúc tới nhiều tầng lớp nhân dân. Vì vậy, sức ảnh hưởng của nó tới toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực là rất lớn. Từ đó mà báo chí giống như một thứ quyền lực có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của con người trong xã hội.
Như vậy, với những vấn đề nêu trên, khi đưa thông tin lên báo chí, nhà báo phải có đầy đủ ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và phải có bản lĩnh chính trị của người làm báo. Muốn có được những phẩm chất ấy, nhà báo phải kỳ công học tập, rèn luyện không ngừng trên cơ sở lý luận nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, khoa học xã hội... cộng với thực tiễn của quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình.
Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với báo chí. Đây là mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính tri, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Và nhiệm vụ này luôn được đặt lên hàng đầu trong các nhiệm vụ. Các cơ quan nhà nước chủ động triển khai các nội dung chương trình, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thông qua các kênh của báo, đài phổ biến rộng ra toàn xã hội nhằm thống nhất nhận thức và hành động. Trong quá trình này, báo chí thực hiện thông tin hai chiều, phản ánh những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, về ý chí, nguyện vọng của nhân dân giúp cơ quan nhà nước nắm được tình hình để chỉ đạo chính xác, kịp thời. Đó là yêu cầu rất cần thiết và rất quan trọng.
Ngày 04/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg “Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”(Thay thế Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg), đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là văn bản quy phạm cụ thể hóa mối quan hệ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.
Trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng các cơ quan báo chí và nhà báo chưa thật sự hài lòng khi liên hệ lấy thông tin tại một số cơ quan nhà nước; có hiện tượng né tránh, thoái thoát, đùn đẩy trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là điều không phù hợp cần phải được khắc phục, trước hết là khắc phục về nhận thức, về trách nhiệm pháp lý của cơ quan hành chính nhà nước và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Cần gạt bỏ những ái ngại, định kiến không phù hợp để thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí hoàn thành nhiệm vụ.