 |
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu đã thu hút nhiều nhà đầu tư cho các dự án du lịch. |
Trông chờ sự bứt phá từ NQ 11
Qua 7 năm thực hiện NQ 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, du lịch Bạc Liêu đã có bước chuyển mình lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân tỉnh nhà. Sau chặng đường hiện thực hóa khát vọng, NQ 02 đã cho Bạc Liêu “cơ ngơi” khá đồ sộ là hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng và nhiều nhất so với các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, du lịch phát triển không chỉ mang về nguồn thu lớn cho tỉnh mà còn đưa hình ảnh Bạc Liêu vươn xa, chinh phục du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Bạc Liêu vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém khiến tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cơ cấu, tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ và trong tổng thể nền kinh tế Bạc Liêu vẫn còn khá khiêm tốn. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phát triển du lịch Bạc Liêu, sản phẩm du lịch của Bạc Liêu nhiều nhưng còn “nhợt nhạt”, văn hóa ẩm thực hao hao giống với các địa phương, nghệ thuật đờn ca tài tử chưa tạo thành sản phẩm tròn trịa… Còn du lịch tâm linh thu hút lượng khách lớn nhất cho tỉnh nhưng vẫn kém An Giang, Sóc Trăng. Không chỉ vậy, toàn tỉnh chỉ có 3 khách sạn đạt chuẩn 3 sao, thấp nhất ĐBSCL, cùng với đó là cơ sở vật chất nghèo nàn.
Theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Bạc Liêu đang đứng tốp giữa về tổng lượt khách và tổng doanh thu dịch vụ. Tuy nhiên, mục tiêu của Tỉnh ủy đặt ra cho du lịch là phải trở thành một trong những trung tâm của vùng, đặc biệt phải xứng tầm là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tỉnh ủy thể hiện quyết tâm chính trị bằng việc ban hành NQ 11 về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với hệ thống quan điểm, mục tiêu và giải pháp mang tính chiến lược nên NQ 11 được trông chờ sẽ tạo sức bật giúp du lịch bứt phá, hướng đến phát triển bền vững.
Nâng cao thương hiệu du lịch Bạc Liêu
Nhiệm vụ then chốt của NQ 11 là tập trung phát triển đồng bộ, có trọng tâm và trọng điểm sản phẩm du lịch. Theo đó, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá các tài nguyên du lịch; huy động nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả, đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch, tránh sự trùng lắp giữa các địa phương trong khu vực; ưu tiên phát triển 5 không gian du lịch, gồm: không gian trung tâm TP. Bạc Liêu, không gian ven biển TP. Bạc Liêu, không gian vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh TP. Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải), không gian Giá Rai - Đông Hải, không gian Vĩnh Lợi - Hồng Dân - Phước Long.
Đồng thời, tăng cường khuyến khích xã hội hóa để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho Bạc Liêu nhằm tạo sự khác biệt, nâng cao thương hiệu và tạo sức cạnh tranh cao. Cụ thể là các sản phẩm: du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển; du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật kiến trúc; du lịch nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao…
Tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch, các khu du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn có chất lượng cao; kết nối ba bên giữa nhà quản lý - cơ sở kinh doanh dịch vụ - các khu, điểm du lịch để tăng cường quản lý, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước thu hút du khách, quảng bá rộng rãi hình ảnh Bạc Liêu.
Bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch Bạc Liêu chỉ đạo: “Các sở, ngành và chính quyền địa phương sớm xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện có hiệu quả NQ 11; đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp. Đặc biệt, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch các cấp; sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy chế quản lý du lịch giữa các ngành để phát huy sức mạnh tổng hợp, gồm: Nhà nước - cộng đồng doanh nghiệp - nhân dân đầu tư cho phát triển du lịch. Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các sở, ngành, tổ chức và cá nhân cần thể hiện quyết tâm chính trị cao để thực hiện thắng lợi mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Du lịch đảm bảo chuyên nghiệp, tạo tiền đề đưa du lịch Bạc Liêu phát triển bền vững”.
HỮU THỌ
Nguồn đặc san “Nhà báo & Nghề báo”