TRẢ NGUYÊN HIỆN TRẠNG
Chị N. ở huyện vùng ngọt hóa. Xứ sở bình yên lắm, nhưng chị lại không muốn yên. Địa phương nơi chị ở, từ cán bộ ấp đến huyện, nhắc đến tên chị là ai cũng… ngán. Bởi chị “nổi tiếng” nhất vùng với cái sở thích kỳ quái: ghiền kiện. Mà kiện là phải đến khi người ta chạy dài mới buông tha.
Đơn kiện của chị cũng khác người. Đơn viết chữ in hoa đều đều, tất cả đều tự viết tay, cuối mỗi đơn kiện chị đều kính cẩn kết một dòng “chào thân ái và đoàn kết!”. Tuy là chào như vậy nhưng tinh thần đoàn kết, kiểu lối xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” thì chị không quen.
Một người hàng xóm của chị kể lại câu chuyện, chẳng là ông này có cho người chăn vịt chạy đồng ăn ở đồng nhà mình sau vụ mùa. Người chăn vịt không biết ranh giới, đàn vịt lỡ bộ chạy tuốt sang đồng nhà chị N. Thế là chị kiện. Mà ông hàng xóm chủ đất đã mang lễ, mang thân sang nhà để xin lỗi đủ kiểu. Nhưng chị làm khó, chị đòi phải đúng cái ông đi chăn vịt sang xin lỗi thì mới bỏ qua. Mà người chăn vịt chạy đồng là dân xứ khác, hết cánh đồng này người ta lại sang cánh đồng khác, biết kiếm ông chăn vịt ở đâu để mà giải quyết cái đơn kiện của chị?
Còn với chính quyền, thì chị kiện kiểu… củ khoai. Đơn kiện của chị, địa phương giải quyết không xuể. Bởi cái trước chưa xong thì cái sau đã chồng lên. Chỉ chuyện chiếc xe máy bị giữ, chị kiện đến khi trả xe, chị kiện tiếp vì cho rằng xe để trong kho bị hư. Thấy cũng có trách nhiệm trong chuyện này, đại diện chính quyền mang xe đi sửa. Ngày giao nhận xe, chị đi vòng vòng chiếc xe, ngắm nghía tới lui, cuối cùng phán một câu: “Cái chống xe này không phải của tui. Nó mới quá”. Những người chứng kiến muốn té ngửa. Chị đòi trả lại cái chống xe cũ, giữ nguyên hiện trạng. Nếu không, kiện lên huyện.
Chỉ tội nghiệp cái anh cán bộ được giao sửa xe quá nhiệt tình, thấy cái chân chống xe vừa cũ vừa mục, thay luôn cái chống mới. Giờ biết tìm đâu mà trả lại?
KHI ĐƯƠNG SỰ “HÀNH” TÒA
Chuyện đương sự mà “hành” tòa chắc là chuyện xưa nay hiếm. Ấy vậy mà ở Bạc Liêu lại có một nhân vật “kỳ phùng địch thủ” này. Đương sự là bà T., không có nghề nghiệp ổn định. Học hành chỉ đạt mức biết đọc, biết viết. Nhưng viết đơn kiện thì vô đối, có ca có kệ, lắm khi khiến tòa phải… chạy theo đứt hơi.
Bà T. không thích kiện ở chính quyền, chỉ thích kiện ra tòa. Mà bà nhìn đâu cũng ra nguồn gốc đất của gia đình, dòng họ nhà mình. Thế là đi kiện. Vui, kiện nhà hàng xóm. Buồn, kiện xa hơn. Khổ một nỗi, theo quy định pháp luật dân sự hiện hành, tòa án không được từ chối đơn khởi kiện của đương sự. Do đó, bà T. cứ tha hồ mà kiện. Chỉ đông chỉ tây, chỉ nam chỉ bắc. Dẫu biết là vô lý, nhưng tòa vẫn phải thụ lý, phải lập hồ sơ, đi đo đạc ranh giới tranh chấp... Bà lại thuộc diện hộ nghèo, nên đi kiện không phải đóng án phí. Chẳng những vậy, mỗi lần thành lập hội đồng đo đạc đất, bà T. còn “kiếm chác” được ly cà phê, gói thuốc, vừa nhâm nhi cà phê vừa phì phà thuốc lá, nhịp chân rung đùi xem cán bộ làm việc.
Ngược lại là tòa, những lúc xử lý án dồn dập cuối năm cuối kỳ, thấy bà T. ôm đơn tới là từ thư ký đến thẩm phán đều muốn… ngất. Phải nói chuyện ngọt nhạt với bà, thậm chí nhiều lúc còn rỉ tai nói nhỏ, để bà mang đơn về tạm, qua kỳ tính tiếp - một cán bộ tòa bật mí.
KHÔNG BIẾT ĐIỂM DỪNG
Thông tin một người đi khiếu kiện bị đưa đi trung tâm giáo dục (là người đầu tiên của tỉnh trong nhiều năm qua) là một thông tin khá nóng, đặc biệt trong “hội” những người khiếu kiện nhiều năm. Bà L. đã từng nhiều lần khiếu nại ở chính quyền các cấp, vừa bị UBND TX. Giá Rai lập hồ sơ thủ tục đưa đi giáo dục.
Bản thân bà L. chắc cũng rất sốc và không ngờ trước sự kiên quyết của chính quyền. Nhưng đó là việc làm kịp thời và đúng đắn. Bởi lợi ích của công dân phải hài hòa với lợi ích của Nhà nước. Không thể để một người vì lợi ích của bản thân mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xem thường hoạt động của các cơ quan công quyền, ngang nhiên xem thường kỷ cương phép nước. Trường hợp của bà L. chính là không biết điểm dừng.
THAY LỜI KẾT
Luật cho phép công dân được quyền khiếu kiện, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Trong rất nhiều văn bản pháp luật, hầu hết Nhà nước đều hướng tới ưu tiên bảo vệ lợi ích chính đáng cho công dân. Không ít người đã lạm dụng quyền này, kiện bất chấp, thậm chí là quá khích, gây khó khăn và làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan pháp luật. Đã đến lúc, giới hạn và ranh giới giữa việc đảm bảo lợi ích của bản thân, của gia đình với tôn nghiêm của các cơ quan nhà nước cũng phải được tính toán đúng đắn.
KIM TUẤN
Nguồn đặc san "Nhà báo & Nghề báo"