 |
Ảnh: M.Đ |
Người đàn ông ngồi trước mũi ghe, mặt buồn xa xăm, lòng canh cánh một nỗi lo. Đêm vào sâu, sương xuống dày đặc trên dòng sông hoang vắng và rất lạnh. Sông không một bóng xuồng, bờ không một ánh đèn leo lét, chỉ có thứ ánh sáng mờ ảo của trăng khuyết. Một con vạc ăn đêm bay ngang, làm rớt lại trên sông một tiếng kêu. Đó là tiếng vạc kêu sương lan dài theo dòng sông nghe buồn thảm đến vô cùng. Tiếng vạc nói dùm nỗi lòng ly xứ tha phương chưa có bến đậu của cái gia đình người đàn ông bới tóc củ tỏi và người đàn ông ấy chính là ông nội tôi trong câu chuyện về gốc gác của ba tôi thuở sinh tiền.
Ông nội tôi phải bỏ xứ Gò Công mà đi vì ở đó vừa trải qua một cơn bão năm Thìn (1904) lịch sử. Nhà cửa, vườn tược bị sập, hư hại và liên tiếp 2, 3 năm sau đó thì thiên tai hạn hán, rồi nạn cào cào châu chấu phá hại hoa màu đến nỗi không còn lúa gạo mà ăn, nhiều gia đình thiếu đói không còn sống nổi nữa nên đành bỏ xứ ra đi. Đó là một đợt di dân rất lớn của người Tiền Giang về Hậu Giang. Trước đó nữa cũng có một đợt với quy mô lớn hơn là khi giặc Pháp chiếm ba tỉnh Nam kỳ với máy bay, đại bác. Nguyễn Đình Chiểu viết: “Bến Nghé, Cửa Tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.
Thành quả một trăm năm xây dựng nền văn minh miệt vườn với ruộng vườn thành khoảnh, nếp sống căn cư bị gót giày đinh xâm lược giẫm nát, thế là người ta lại bồng bế nhau chèo chống mà hành phương Nam.
Cái phương Nam ấy là miền đất hứa. Thế nhưng “làm chơi ăn thiệt” đâu chưa biết chứ nó là “đất rộng người thưa” hoang vắng đến rợn người, với câu ca: “Chèo ghe sợ sấu cắn chân/ Xuống bưng sợ đĩa, lên rừng sợ ma”, rồi dịch bệnh, các băng đảng cướp bóc hoành hành. Hồi ông nội tôi từ ngã ba Vàm Lẽo vào Bạc Liêu thì rạch Bạc Liêu hãy còn nhỏ xíu và cong queo (người Pháp chưa cho xáng và dân làm xâu đào), có những đoạn chỉ vừa một chiếc ghe đi. Đôi bờ là rừng rậm, dây leo bịt bùng, với những gốc mắm 2, 3 người ôm. Nếu không tính đường biển thì đây là con đường độc đạo dẫn dân khẩn hoang từ mạn ngoài và vùng Tiền Giang về đây khẩn đất. Thỉnh thoảng nghe tiếng cọp gầm “cà um, cà um...”, xa xa người ta treo một chiếc áo đen để làm dấu cho dân xuôi ngược biết rằng nơi đây cọp vừa ăn thịt người. Đi rất xa mới gặp được một cái làng định hình, còn xa xa là một chòm nhà lá lưa thưa hiu hắt. Và có cả những chòm nhà bỏ hoang vì dịch bệnh, vì thú dữ. Ở đó có những nấm mồ hoang, có những cái mồ chôn cặp mé sông, năm tháng đi qua đất lở lòi ra những chiếc quan tài tạm bợ. Ghe thương hồ đi trên sông nhìn thấy mà chạnh lòng cảnh xiêu mồ lạc mả.
Còn bảy cây số nữa là tới chợ Bạc Liêu bây giờ, ông nội tôi nhìn thấy một chòm nhà hơn một chục cái thì ghé lại lên bờ xin ngụ cư để khai khẩn. Dân sở tại cũng mới về đó được vài năm, họ bảo trước đây xóm này khá đông nhưng dịch bệnh chết nhiều quá người ta đốt làng bỏ đi hết rồi. Vùng này giữa rừng bịt bùng có cái thào to (giống như lung, bào) nhưng rất cạn. Dân khẩn hoang đặt nó là Thào Lạng, thế là từ đó thành địa danh xóm Thào Lạng đến giờ. Người cũ mừng kẻ mới đến, chỉ chỗ đất tốt cho khai khẩn, lại giúp đỡ đủ điều. Họ mừng là vì xóm càng đông thì bọn trộm cướp ít quấy phá, ruộng làm nhiều chim chuột ít cắn phá hơn. Người mới đến phải tuân thủ nếp sinh hoạt có sẵn là lập đàn cúng tế đất đai dương trạch và giải oan các vong hồn uổng tử mà theo họ ở đây vốn rất nhiều rồi mới được cắm ranh khẩn đất. Người lớn tuổi của chòm nhà đứng ra đọc lời “tế cô hồn” giúp người mới đến như sau: “Hồn ở đâu đây/ Hồn ơi! Hồn hỡi/ Xa cây xa cối/ Xa cội xa cành/ Cuối bãi đầu gành/ Cọp tha sấu bắt/ Hoặc khi thắt ngặt/ Manh áo chén cơm/ Hoặc vì ngậm hờn/ Bỏ quê xiêu bạt/ Rừng xanh bát ngát/ Nước chum đỏ ngầu/ Hồn ở sông sâu/ Hồn nương cành biếc/ Ta thương ta tiếc/ Lập đàn giải oan”. Lời giải oan đã nói lên thân phận người đi khẩn đất hồi đó. Cúng bái xong, ông nội tôi lên bờ cặm chòi rồi dọn miếng đất ráng ven sông để cấy lúa. Sau nữa thì mở rộng ra phía hậu bối, ở đó là rừng mắm, sú, vẹt... rất to, cho nên công sức khẩn hoang bỏ ra chỉ có thể tính bằng mồ hôi, nước mắt. Ba tôi kể, khi ông bà nội tôi ra rừng khai khẩn phải đóng một căn gác cao trên trảng ba cây mắm to cho sấp nhỏ ngồi vì sợ cọp tha. Đất mới là đất thào lềnh, nghĩa là nước mặn lên xuống quanh năm nên 4, 5 năm đầu làm ăn rất trầy trật. Phải chờ cho mưa thật già, nước mưa rửa hết phèn mặn mới dám cấy lúa. Năm nào mà mưa dứt sớm, nước mặn tràn lên sớm là lúa háp trắng như dựng cờ tang. Công sức một năm trời, niềm hy vọng có một cái tết đủ đầy bỗng tàn lụi theo bụi lúa. Những năm như thế ông nội tôi phải dùng sậy bện đăng để đi đăng ở những con rạch, ngọn xẻo kiếm tôm cá mà nuôi sống gia đình. Đến mùa thứ năm, đột nhiên năm đó lúa trúng mùa, mỗi công 15 giạ. Lúa trúng cũng phải thôi, vì sau 5 năm giữ ngọt ruộng đã là đất thuộc. Năm đó cấy giống Nàng Tét, bông lúa cứ oằn sai, hương lúa làm bổi hổi suốt mùa gió chướng. Đó là cái tết đầu tiên no đủ và vui như hội của chòm nhà Thào Lạng. Thế nhưng ra Giêng thì lính mã tà triệu tập tất cả những chủ ruộng lên nhà việc làng Hưng Hội để giải quyết hai việc. Một là trưng thu và phạt tội trốn xâu lậu thuế (thuế thân). Hai là làm ruộng của chủ điền mà không đóng lúa ruộng. Chủ điền là ông chủ Cuôi, bá hộ ở vùng Hưng Hội. Trước đó ông này đã đâm đơn xin trưng khẩn mấy trăm mẫu đất và được chính quyền thực dân Pháp chấp thuận. Trên mấy trăm mẫu đất đó có nhiều mẫu trước khi ông ta được cấp giấy đã có nhiều người trưng khẩn thành đất thuộc rồi, nhưng họ lại không biết và không có thế lực để xin cấp giấy đất. Số đất khác thì người dân ngỡ đất hoang còn vô chủ đã vào khai khẩn sau khi chủ Cuôi được cấp giấy, nhưng chủ Cuôi lờ đi, chờ cho dân nghèo khai phá thành đất thuộc rồi mới báo cho họ biết mà đong lúa ruộng. Kể từ khi được mời đến nhà việc, thân phận của đám dân nghèo ở chòm nhà ấy đã gắn chặt với chủ Cuôi. Ra Giêng ăn Tết xong, đong lúa ruộng là trong bồ hết sạch. Mùa giáp hạt, hay xuống mùa phải đến nhà chủ Cuôi vay lúa với lãi suất cắt cổ. Nhiều gia đình ít lao động đã chịu không nổi phải giao ruộng cho chủ Cuôi mà trả nợ rồi đi nơi khác tìm đất hoang mà khai khẩn. Còn gia đình ông nội tôi nhờ con đông, anh em của ba tôi phải chèo xuồng xuống tận Cà Mau để mua ba khía hay đốn cây đước đem về bán (bác thứ Năm, kế ba tôi thì bị bệnh chết ở Cà Mau trong lúc đốn củi) nên đã trụ được trên mảnh đất ấy. Khi ông bà nội tôi qua đời, ba tôi phải đem trầu cau đến nhà chủ Cuôi lạy lục xin một mảnh đất nhỏ ven rừng mà chôn. Cay đắng thay, mảnh đất ấy do chính ông bà nội tôi khai phá.
Thân phận ông bà nội tôi là thân phận khá phổ biến của lưu dân khẩn hoang vào thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Nó giống như thân phận những tá điền ở Đồng Nọc Nạng, Ninh Thạnh Lợi như ta biết ngày nay.
Ngày tháng qua đi, hàng trăm năm trôi qua miệt Hậu Giang không còn là vùng rừng thiêng nước độc, tất cả đã biến thành ruộng vườn trù phú, chợ búa đẹp như tranh. Thế nhưng những người khẩn hoang năm xưa thì không còn sống, có những người đã xiêu mồ lạc mả. Giờ đây còn chăng là còn công đức của họ. Ai đang sống trên mảnh đất này, ăn hạt cơm thơm lừng hạt ngọc mọc lên từ đất quê hương hẳn phải thấu hiểu được những công đức ấy.
Sắp tới đây, tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh cũng là dịp để chúng ta tìm hiểu công đức của các bậc tiền hiền. Đó là những con người đời buồn như tiếng vạc kêu sương mà đã có công làm rộng dài đất nước.
Bút ký: Phan Trung Nghĩa
(Theo nguồn Đặc san Nhà báo & Nghề báo)