Liên kết web
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Vai trò của ảnh báo chí trong nền báo chí hiện đại

Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"
Thứ năm, 24/10/2019, 09:40
Màu chữ Cỡ chữ
Vai trò của ảnh báo chí trong nền báo chí hiện đại

 

Giải ảnh báo chí Bạc Liêu - Cà Mau năm 2019 do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức với mục đích nâng cao chất lượng ảnh báo chí.

Trong thời đại kỷ nguyên số, các phương tiện, máy móc phục vụ cho hoạt động báo chí ngày càng nhiều thì yêu cầu chất lượng ảnh báo chí cũng ngày càng cao. Cũng như ăn một món ăn ngon, độc giả không chỉ muốn đọc bài báo có nội dung hay mà còn muốn thưởng thức những hình ảnh đắt giá, phù hợp và tôn thêm sức hấp dẫn cho bài báo.

Xu thế làm báo ngày nay, đặc biệt là báo điện tử đang dần “kiệm lời”, ít câu chữ hơn mà thay vào đó là những hình ảnh chuyển tải thông tin, hàm ý và thể hiện những điều tác giả muốn thể hiện. Trước sự bùng nổ của mạng xã hội, các trang báo điện tử đã và đang đổi mới cách làm báo truyền thống, chú trọng và đầu tư nhiều hơn cho phần hình ảnh. Theo khảo sát từ một số trang báo điện tử, những tin, bài theo kiểu chùm ảnh luôn thu hút sự quan tâm, tương tác của nhiều độc giả hơn. Bởi trên thực tế, bạn đọc rất ít khi dành thời gian để đọc bài báo dài hàng ngàn từ, nhưng họ có thể thích thú xem hết bài báo nếu được hỗ trợ bởi những bức ảnh đủ sức hấp dẫn.

Xin lấy ví dụ về bộ ảnh “Những “người nhện” trên vùng biển cực Nam Tổ quốc” của tác giả Phạm Hoàng Giám (Báo Kiên Giang) đăng trên Zing.vn với tổng số 46 ảnh. Ở phạm vi bộ ảnh này, nội dung chỉ có tính chất hỗ trợ, còn hình ảnh đóng vai chính để kể cho bạn đọc về câu chuyện của những người làm nghề đáy hàng khơi ở vùng biển Cà Mau. Không quá khi nói, độc giả chỉ cần xem tất cả hình ảnh sẽ hình dung được nghề đáy hàng khơi là như thế nào, người làm nghề này cực nhọc và phải đối mặt với những hiểm nguy ra sao, những “người nhện” đã trải qua cuộc sống hàng ngày trên biển như thế nào… Sau khi bộ ảnh được đăng tải đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen. Nhiều độc giả còn cảm ơn tác giả đã không ngại vất vả, hiểm nguy để thực hiện đề tài này, giúp bạn đọc có cái nhìn cận cảnh hơn về công việc vô cùng độc đáo của ngư dân Cà Mau.

Từ ví dụ trên có thể khẳng định, ảnh báo chí là yếu tố đặc biệt quan trọng, làm nên sự hoàn mỹ, có khi còn là “linh hồn” của tác phẩm báo chí. Do đó, làm báo hiện đại không chỉ đầu tư cho nội dung mà cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng hình ảnh.

Lưu ý trong quá trình tác nghiệp, không được thụ động chờ khoảnh khắc diễn ra rồi mới bấm máy, mà phải lường trước những hành động, sự việc có thể xảy ra tiếp theo và hãy nhớ chụp càng nhiều càng tốt. Hiện nay, đa phần người làm báo đều sử dụng máy ảnh bán tự động nên việc chụp nhiều có thể xóa dễ dàng để phục hồi dung lượng cho thẻ nhớ. Lợi ích của việc chụp nhiều là khả năng bắt được khoảnh khắc đáng giá sẽ cao hơn, khi có nhiều lựa chọn thì mới có thể có được kết quả tốt nhất. Muốn làm được điều này, phóng viên phải thường xuyên rèn luyện khả năng dự đoán, phán đoán và đọc tình huống.

Quan trọng không kém là nghiên cứu trước sự kiện. Đừng đợi đến khi đặt chân đến nơi mình tác nghiệp mới bắt đầu định hình về câu chuyện mà bạn sẽ kể qua những bức ảnh. Hãy lên trước kế hoạch muốn chụp gì để có thể chủ động chuẩn bị về mặt tinh thần, trang thiết bị, cách ứng phó trong mọi tình huống.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại sự kiện Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2019.

 Đặc biệt, phải nắm rõ những chức năng của chiếc máy ảnh mà chúng ta đang sử dụng. Có những khoảnh khắc sẽ chỉ đến trong một hoàn cảnh, thời điểm nhất định, nếu không làm chủ được thiết bị, sử dụng nó đúng cách và đúng lúc thì bạn sẽ dễ bị bỏ lỡ những bức ảnh đẹp.

Nghề báo hay bất cứ công việc nào cũng vậy, học hỏi từ các đồng nghiệp để nâng cao kỹ năng, tay nghề luôn là điều tối cần thiết. Trong quá trình tác nghiệp, hãy thẳng thắn trao đổi với đồng nghiệp những chuyện như: vì sao phải chụp với chế độ này, với góc độ đó, thông số như thế… Điều này giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng, có thêm kinh nghiệm sử dụng máy ảnh và đưa ra phương án tối ưu nhất trong những điều kiện, hoàn cảnh tác nghiệp khác nhau.

Thể hiện bức ảnh một cách tự nhiên nhất cũng là điều độc giả mong muốn ở một tác phẩm báo chí. Một nhà (báo ảnh) nổi tiếng người nước ngoài đã từng nói: “Chúng ta là những nhà báo chứ không phải “thợ ảnh”, độc giả muốn được xem những câu chuyện càng thực càng tốt, không ai muốn thấy những điều “không thật” cho dù nó có đẹp đẽ hay mang nhiều ý nghĩa. Khi đi tác nghiệp, hãy ẩn mình càng kín càng tốt, đừng để sự xuất hiện của mình ảnh hưởng đến thái độ, sự tự nhiên của nhân vật”.

Muốn nâng cao tay nghề, chất lượng chụp ảnh báo chí không phải việc khó. Điều này đòi hỏi người làm báo phải thật sự yêu nghề, chịu dấn thân và không ngừng học hỏi.

HỮU THỌ

Nguồn: Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"

 

 

Số lượt xem: 3767

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ BÁO TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: ông Nguyễn Duy Hoàng
Địa chỉ: Số 25, đường Lê Văn Duyệt, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 07813.828 381. Fax: 07813.282 381