 |
Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. |
TỪ NHÀ MÁY ĐIỆN GIÓ LỚN NHẤT CẢ NƯỚC…
Bạc Liêu có bờ biển dài hơn 56km, có tiềm năng, lợi thế về lượng gió mạnh, khá ổn định, có ánh nắng mặt trời gần như quanh năm, rất thuận lợi để đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời. Xác định đây là một tiềm năng rất lớn mà thiên nhiên ưu đãi cho địa phương nên tỉnh quyết tâm phát triển điện năng lượng tái tạo, coi đây là một trong 5 trụ cột chính để phát triển. Hiện, tỉnh đã có Nhà máy điện gió do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý đầu tư xây dựng. Nhà máy có công suất 99,2MW, gồm 62 trụ tua-bin đã lắp đặt hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia trên 350 triệu kWh/năm. Đây là nhà máy điện gió thương mại có quy mô lớn nhất cả nước vào thời điểm này. Việc triển khai đầu tư mở rộng dự án tiếp theo sẽ tạo tiền đề cho việc hình thành trung tâm điện gió lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu hình thành, phát triển đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh, có ý nghĩa “mở luồng” để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và bạn bè ngoài tỉnh biết đến Bạc Liêu nhiều hơn. Dự án đã thật sự vực dậy tiềm năng và đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần tạo thêm hình ảnh một Bạc Liêu luôn nỗ lực vươn lên đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đến xin đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí…
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Năm 2018, Bạc Liêu đón hơn 200 nhà đầu tư xin đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Gần như giờ trên bờ biển của tỉnh là các dự án điện gió năng lượng tái tạo. Hiện nhiều nhà đầu tư tiếp tục xin các dự án đầu tư phía trong bờ biển (trên cạn). Đặc biệt, có một nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư dự án điện gió cách xa bờ biển 25km và gắn trụ đo gió. Điều đó cho thấy, mở ra cho Bạc Liêu một triển vọng rất lớn là không chỉ ngoài bờ biển, bên trong bờ biển mà ngay trên đất liền cũng có thể làm điện gió”.
 |
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung và lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh khảo sát định vị đặt nhà máy khí nổi trên biển cho Dự án điện khí LNG. |
...ĐẾN DỰ ÁN ĐIỆN KHÍ TỶ ĐÔ
Không chỉ khai thác tối đa nguồn năng lượng gió, các dự án đầu tư vào Bạc Liêu còn hướng đến những nguồn năng lượng sạch để sản xuất điện. Dự án Nhà máy sản xuất điện khí thiên nhiên hóa lỏng tại Bạc Liêu được nhà đầu tư Mỹ đề xuất có công suất 3.200 MW với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD (tương đương hơn 91 ngàn tỷ đồng) và giá bán điện dự kiến sẽ khoảng 7 cent/1 kWh. Theo kế hoạch, dự án được triển khai trong 10 năm, từ 2018 - 2027 và được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I hoàn thành xây dựng nhà máy điện công suất 1.000 MW, dự kiến khởi động trong năm 2018, đi vào hoạt động cuối năm 2021. Giai đoạn II, xây dựng bổ sung nhà máy điện với công suất 1.000 MW, đi vào hoạt động cuối năm 2024. Giai đoạn III, xây dựng tiếp nhà máy điện khí công suất 1.200 MW, đi vào hoạt động năm 2027.
Theo lãnh đạo tỉnh, việc đầu tư dự án điện khí LNG tại Bạc Liêu phù hợp với Chiến luợc phát triển năng lượng quốc gia cũng như điều kiện tình hình thực tế của địa phương, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Bạc Liêu rút dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch điện lực quốc gia và giao cho tỉnh mời gọi các dự án nguồn điện khác thay thế.
Để biến khát vọng xây dựng Bạc Liêu sớm thành trung tâm năng lượng sạch, tỉnh rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương ủng hộ tỉnh thực hiện Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu với công suất 3.200 MW. Đồng thời tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời vào sơ đồ VII điện quốc gia. Hiện Bạc Liêu có các dự án điện với tổng công suất rất lớn nên khó khăn lớn nhất của tỉnh là đường dây đấu nối.
Với tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển năng lượng tái tạo, nếu được Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương ủng hộ, Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
MINH ĐẠT
Nguồn đặc san “Nhà báo & Nghề báo”