Chuyện người dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn (GTNT), xây dựng các công trình công cộng không còn là chuyện hiếm gặp ở các làng quê trong tỉnh. Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, việc hiến đất để xây dựng những công trình phúc lợi xã hội là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng của người dân trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Một tuyến đường GTNT trên địa bàn huyện Phước Long ngày nay.
KHI LÒNG DÂN ĐỒNG THUẬN
Về huyện Phước Long hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước một diện mạo mới của những con đường liên ấp, liên xóm. Những con đường được trải bê-tông phẳng phiu, rộng rãi đã làm cho làng quê thuần nông yên bình như khoác lên mình chiếc áo mới. Ở đây, dấu ấn rõ nhất của Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) không chỉ dừng lại ở những con số thống kê hay hiện hữu bằng những công trình cụ thể, mà đó còn là sức mạnh từ sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết toàn dân để làm nên những công trình nối liền ý Đảng - lòng dân.
Đưa chúng tôi đi trên con đường vừa mới hoàn thành, ông Lý Thanh Tuấn (xã Vĩnh Phú Tây) chia sẻ: “Trước đây khi trời mưa, bà con mình rất ngán ngại đi lại vì lộ làng chỉ toàn bằng đất, không khéo là té ngã như chơi. Các cháu nhỏ mỗi sáng đi học, cha mẹ phải cõng qua những đoạn sình lầy, thấy mà thương. Bây giờ đã khác xưa rồi, đường làng được bê-tông hóa sạch đẹp, trời mưa vẫn cứ vô tư mà đi. Từ khi đường sá “ngon lành”, bà con trong xóm cũng có điều kiện làm kinh tế, giao lưu hàng hóa, nên đời sống cũng khấm khá hơn trước rất nhiều”.
Để có được thành quả trên, người dân không chỉ đóng góp sức lực mà còn hiến đất để xây dựng. Đơn cử như các ông Lê Văn Trãi, Lâm Hồng Sơn (xã Vĩnh Phú Ðông, huyện Phước Long), thu nhập chính từ mấy công đất ruộng, nhưng khi được vận động hiến đất để xây dựng nhà văn hóa ấp, trường học, trạm cấp nước tập trung, gia đình hai ông đã không đắn đo, mỗi hộ sẵn sàng hiến hơn 1.000m2 đất...
Không chỉ ở huyện Phước Long, hơn 3 năm qua, tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Ðông Hải… cũng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ Nhân dân. Ðiển hình như hộ ông Trương Thuôl (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) hiến gần 100m2 đất; hộ ông Thạch Hương (người dân tộc Khmer, ấp Trà Ban 1, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) hiến 600m2 đất; hộ ông Trần Văn Bưởi (ấp Chất Ðốt, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) hiến hơn 580m2 đất, giúp chính quyền các địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng… Ông Trương Thuôl (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) nói: “Ngay sau khi dự cuộc họp với UBND xã về việc nâng cấp, mở rộng con lộ trước nhà là về nhà tôi bắt tay vào chuẩn bị ngay. Tôi cùng các thành viên trong gia đình lấy đất đắp sẵn móng lộ, phát quang bụi rậm… Khi công trình thi công, tôi và bà con trong xóm cũng tham gia làm phụ nên công trình hoàn thành rất nhanh và đảm bảo chất lượng. Có đường đi lại thuận tiện, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi”.
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn (GTNT) phục vụ XDNTM theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm trên địa bàn tỉnh là 213 danh mục, tổng chiều dài gần 444km, kinh phí ước hơn 424 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách của huyện, nguồn Nhân dân và các nguồn khác ước tính hơn 77 tỷ đồng. Mới đây, phát biểu tại hội nghị ra quân sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường GTNT phục vụ XDNTM theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung khẳng định: Chủ trương XDNTM là chủ trương của ý Đảng - lòng dân. Hiện nay, làm GTNT được Nhân dân đồng tình ủng hộ nên các địa phương cần phải quyết tâm. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình GTNT từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, ngân sách địa phương và nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân đã góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân vùng nông thôn ngày một phát triển. Tuy nhiên, do nguồn lực từ ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho GTNT chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều tuyến đường đầu tư xây dựng đã lâu nhưng không được bố trí kinh phí bảo trì, bảo dưỡng nên đã xuống cấp. Để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa của Nhân dân vùng nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho chủ trương thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường GTNT phục vụ xây dựng nông thôn mới theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thiện hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2016 - 2020…

Người dân hiến đất và góp sức xây dựng lộ GTNT ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: C.L
ĐỔI THAY TỪNG NGÀY
Ở những địa phương nỗ lực cho phong trào XDNTM, diện mạo làng quê đã thay đổi từng ngày. Sự thay đổi đó bắt nguồn từ chính nhận thức của mỗi người dân, họ hiểu được lợi ích của Chương trình XDNTM và sẵn sàng góp tiền, hiến đất để làm đường mà không đòi hỏi sự đền bù của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, phồn thịnh. Tại một huyện ven biển như Đông Hải, kể từ khi chính quyền phát động toàn dân tích cực tham gia phong trào XDNTM, bà con đều nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường giao thông liên ấp, liên xóm được mở rộng, bê-tông hóa đã làm cho phong trào XDNTM càng thêm phát triển rầm rộ, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân. Có thể nói, chưa bao giờ phong trào góp công, góp sức, hiến đất làm đường GTNT lại có sức lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay. Thật đáng trân trọng biết bao khi rất nhiều hộ chỉ có mảnh đất, thửa ruộng làm kế mưu sinh, nhưng vẫn sẵn sàng hiến một phần đất ở, ruộng nương để phục vụ cho việc làm đường và các công trình XDNTM. Mới đây, trong cuộc họp với lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bàn về việc nâng cấp, trùng tu sửa chữa các tuyến lộ GTNT xuống cấp, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh: “Tuy nguồn lực còn hạn hẹp, nhưng các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở sẽ quyết tâm hoàn thiện hệ thống GTNT để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Chính vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách để người dân kịp thời nắm bắt và ủng hộ làm theo. Một khi “ý Đảng - lòng dân” được hợp nhất, thì dù khó khăn đến đâu người dân cũng sẵn lòng chia sẻ cùng chính quyền trong các chương trình phúc lợi dân sinh”.
Giờ đây, đến bất cứ vùng quê nào của tỉnh, XDNTM luôn là đề tài “nóng” trong những câu chuyện thường nhật. Đặc biệt, ở những địa bàn khó khăn, phong trào này như luồng gió mới tạo nên diện mạo ngày càng khang trang cho mỗi vùng quê. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
CHÍ LINH